-
goldenblitz creative
-
Cuộc đời bi kịch của Frida Kahlo - ‘Thánh nữ’ hội họa thế kỷ 20
Đau đớn, tuyệt vọng, nhưng cũng đầy mạnh mẽ, nội tâm sâu sắc của Frida được truyền tải qua các tác phẩm theo trường phái hiện thực pha trộn các yếu tố siêu thực. Mỗi tác phẩm đều ẩn chứa một câu chuyện riêng về cuộc đời thăng trầm mà bà đã trải qua.
Sơ lược về Frida Kahlo
Là nữ họa sĩ tài hoa bậc nhất Mexico, Frida Kahlo nổi tiếng với những bức chân dung tự họa phản ánh một cách trần trụi tấn bi kịch cuộc đời bà. Trong tổng số 143 tác phẩm của bà, có tới 55 bức bà vẽ chính mình, khắc họa cuộc đấu tranh nội tâm và nỗi đau tinh thần trong con người bà. Điều này từng chỉ xuất hiện trong tranh của Van Gogh.
Frida Kahlo sinh ngày 6 tháng 7 năm 1907 tại vùng ngoại ô Mexico. Khi lên sáu, bà mắc bệnh bại liệt, khiến chân phải teo đi. Vì lẽ đó, bà bị bạn bè xa lánh và gọi với cái tên mỉa mai 'Frida chân gỗ'. Sinh thời, Frida mong muốn trở thành bác sĩ, tuy nhiên, năm 18 tuổi, bà gặp tai nạn xe nghiêm trọng và phải nằm viện trong một thời gian dài. Sau tai nạn, Kahlo bắt đầu vẽ tranh như một thú vui trong thời kì dưỡng bệnh. Bà bén duyên với nghệ thuật từ đó.
Frida và Diego: Cuộc hôn nhân tai tiếng
Frida Kahlo đã phải trải qua hơn 30 cuộc phẫu thuật trong suốt cuộc đời bà và hầu hết các tác phẩm hội họa của bà đều đề cập tới nỗi đau về thể xác cùng những di chứng để lại sau tai nạn. Bên cạnh đó, Kahlo cũng vẽ nhiều về cuộc hôn nhân của mình với Diego Rivera, một họa sĩ Mexico nổi tiếng. Họ gặp gỡ vào năm 1928 và kết hôn vào tháng 8/1929. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của họ thường xuyên gặp trục trặc. Cả hai cùng thất thường, nóng tính và lăng nhăng. Rivera thậm chí còn ngoại tình với em gái của bà, Cristina. Họ ly hôn vào năm 1939 nhưng lại tái hôn một năm sau đó. Tuy vậy, lần kết hôn sau cũng không mấy êm đẹp. Frida từng ví Diego như tấn bí kịch tồi tệ nhất cuộc đời mình.
Frida Kahlo: Chân dung tự họa trong chiếc váy nhung
Một trong những tác phẩm đầu tay của Frida, 'Self-Portrait in a Velvet Dress', chịu ảnh hưởng lớn từ hội họa Châu Âu. Cánh tay cùng phần cổ được kéo dài trong bức họa gợi nhớ tới bức chân dung Mannerist của Bronzino, và những con sóng gợn phía sau có nét tương đồng với những con sóng xanh trong tác phẩm 'Musée d'Orsay' của Van Gogh.
Dù vậy, Frida phủ nhận mọi ảnh hưởng của nền hội họa Châu Âu tới tác phẩm của mình bởi bà cùng Diego là những người đi đầu phong trào nghệ thuật 'Mexicanidad'. Bà mong muốn khẳng định bản sắc Mexico và hạn chế tối đa ảnh hưởng từ Tây Ban Nha. Bởi vậy, bà thường xuất hiện trong những bộ trang phục Mexico truyền thống, kiểu tóc vấn đặc trưng với những dải duy băng, những bông hoa hay đồ trang sức nổi bật. Bên cạnh đó, để thể hiện lòng tự tôn dân tộc, trong tác phẩm hội họa của mình, nữ danh tài đã bắt đầu sử dụng những hình tượng cùng màu sắc mang đậm chất Mexico.
Mặc dù không được đào tạo chuyên sâu về hội họa, với sự trợ giúp của Diego, Frida đã gây dựng được danh tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất định trong giới hội họa. Tuy vậy, giữa năm 1930 và 1934, Frida cùng chồng phải di tản tới Mỹ bởi họ là những đảng viên Đảng Cộng sản Mexico. Trong thời gian đó, bà có mang thai nhưng không may đã bị sảy cả hai lần, là hậu quả từ tai nạn năm xưa. Từ đó, nỗi đau, sự mất mát cùng phẫn nộ trở thành nội dung chủ đạo trong các tác phẩm của bà.
Frida Kahlo: Chân dung tự họa với chiếc vòng cổ gai và con chim ruồi
Biểu tượng Cơ đốc giáo và thần thoại Aztec xuất hiện khá phổ biến trong văn hóa Mexico. Trong tác phẩm 'Self Portrait with Thorn Necklace and Hummingbird', Frida đã họa bản thân như một nạn nhân bị trói buộc bởi xiềng xích là chiếc vòng cổ gai, treo trên đó là con chim ruồi, biểu tượng của 'Huitzilopochtli', vị thần chiến tranh trong thần thoại Aztec. Bức họa phản ánh mâu thuẫn nội tâm trong bà. Con khỉ, tượng trưng cho sự nguy hiểm đồng thời là món quà từ Diego, đang lôi kéo chiếc vòng cổ khiến bà đổ máu. Đây là một phép ẩn dụ về mối quan hệ trắc trở của họ. Con báo đen tiến tới từ rừng rậm là biểu tượng của cuộc sống và sự sinh sôi nảy nở. Hình ảnh những con bướm và chuồn chuồn bay lượn trên không gợi tới niềm hy vọng và vòng tuần hoàn cuộc sống, một tia sáng le lói trong khung hình.
Frida Kahlo: Cái chết của Dorothy Hale
Có sự chấp thuận của Clare Booth Luce, nhà xuất bản tạp chí thời trang 'Vanity Fair', bức họa 'The Suicide of Dorothy Hale' trở thành tác phẩm tưởng nhớ Dorothy. Chồng của Dorothy, họa sĩ Gardiner Hale, đã qua đời sau một vụ tai nạn xe hơi, để lại người vợ không nơi nương tựa. Nợ nần chồng chất, Dorothy nhảy từ căn hộ trên cao kết liễu cuộc đời mình.
Trong tác phẩm, Frida vẽ ba giai đoạn tự vẫn: giai đoạn thứ nhất là hình ảnh nhỏ bé của Dorothy nhảy từ cửa sổ tòa nhà, giai đoạn thứ hai là hình ảnh lớn hơn của người phụ nữ lao thẳng xuống mặt đất xuyên qua đám mây, hình ảnh cuối cùng và lớn nhất là thi thể đầy máu của người phụ nữ nằm sõng soài trên vỉa hè.
Bên dưới bức tranh là dòng huyết chữ, “Thành phố New York, 6 giờ sáng, ngày 21 tháng 10 năm 1938, Bà Dorothy Hale đã tự vẫn bằng cách gieo mình từ cửa sổ tòa nhà Hampshire. Frida Kahlo." Để tăng độ rung rợn cho bức vẽ, người ta vấy sơn đỏ lên khung ảnh và tạo hiệu ứng như những giọt máu còn đọng lại.
Sau khi nhận được bức họa, Clare Booth Luce đã viết trong nhật ký, "Tôi đáng lẽ không nên yêu cầu một bức tranh đầy máu me từ kẻ thù của mình, chưa kể tới nhân vật chính là người bạn bất hạnh của tôi". Mặc dù rất muốn hủy bức tranh, bà vẫn quyết định giữ lại nó.
Chỉ duy Frida Kahlo, người đã thực sự trải qua những nỗi đau tột cùng về cả thể xác lẫn tinh thần mới có thể đồng cảm và đề cập tới chủ đề đau thương này một cách thông minh và đầy thấu cảm như vậy.
Frida Kahlo: Sin Esperanza (Vô vọng)
Qua tác phẩm 'Sin Esperanza (Vô vọng)', Frida đã khắc họa nỗi thất vọng và đau đớn tới đỉnh điểm bà phải trải qua. Mặt sau bức họa là dòng chữ ''Giờ đây tôi thực sự tuyệt vọng … Tôi đã cạn kiệt sức lực…". Câu nói này phản ánh cảm nhận của bà khi phải tiếp nhận việc truyền thức ăn trong thời gian nằm viện.
Trong bức tranh, Frida như đang trải qua một cơn ác mộng. Bà khốn khổ nằm trên giường bệnh mà phủ lên là chiếc chăn với họa tiết là những con vi khuẩn đang đục khoét cơ thể bà. Bên trên dựng một chiếc thang treo chiếc phễu được dùng để truyền cho bà thứ đồ ăn mà bà coi là kinh tởm. Trên cùng là thứ thịt hôi hám đang trào ra từ chiếc phễu, một chiếc đầu lâu khắc tên bà – báo hiệu cái chết đang tới dần. Khung cảnh cằn cỗi xung quanh khắc họa sự bất lực cùng nỗi cô độc của bà, bên cạnh đó, hình ảnh mặt trăng và mặt trời cùng xuất hiện là minh chứng cho những cơn đau triền miên đang hành hạ bà không kể ngày đêm.
Frida Kahlo: Bức họa chân dung cùng bác sỹ Farill
Sau 1950, sức khỏe của Frida suy giảm nhanh chóng, điều này đã ảnh hưởng tới chất lượng tác phẩm của bà. Các cuộc phẫu thuật cột sống thất bại để lại di chứng trên cơ thể, khiến cuộc sống của bà phải gắn liền với chiếc xe lăn. 'Self-Portrait with the Portrait of Dr. Farill' (1951) là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Frida về cuối đời. Trong bức họa, bà ngồi xe lăn, tay cầm bút vẽ cùng bảng màu bên cạnh bức chân dung bác sĩ phẫu thuật Farill. Có thể nói, đây chính là lời tuyên ngôn nghệ thuật của bà. ''Thông qua hội họa, tôi giãi bày bản thân … Hội họa hoàn thiện con người tôi". Hình ảnh một phần trái tim bà thay thế cho bảng vẽ cùng những chiếc bút lông được nhúng đầy máu là minh chứng rõ nét nhất về ý nghĩa của hội họa đối với Frida.
Mùa hè năm 1954, Fradi Kahlo qua đời vì căn bệnh viêm phổi. Sinh thời, người ta chỉ coi Frida là vợ của Diego Rivera. Mãi sau này, tài năng hội họa của bà mới thực sự được công chúng công nhận.
Thông tin cần ghi nhớ về Frida Kahlo
- Frida Kahlo sinh ngày 6 tháng 7 năm 1907 tại Coyoacán, ngoại ô Mexico.
- Lên sáu, Frida mắc bệnh bại liệt, khiến chân phải teo đi. Bạn bè xa lánh và gọi bà với cái tên mỉa mai 'Frida chân gỗ'.
- Tai nạn xe buýt năm 1925 để lại dị tật trên cơ thể Frida và thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà. Bà bắt đầu vẽ tranh trong thời kì dưỡng bệnh.
- Kahlo gặp gỡ họa sĩ Diego Rivera vào năm 1928 và tiến tới kết hôn một năm sau đó. Tuy vậy, cuộc hôn nhân của họ không mấy êm đẹp.
- Sau hai lần sảy thai, nỗi đau, sự mất mát cùng phẫn nộ trở thành đề tài chính trong tác phẩm của bà.
- Hầu hết tác phẩm của Frida đều là chân dung tự họa phản ánh nỗi đau thể xác lẫn tinh thần trong bà.
- Sinh thời, Frida chỉ được biết đến như vợ của Diego Rivera. Sau này, tài năng hội họa của bà mới thực sự được công chúng công nhận.
- Mùa hè năm 1954, Frida Kahlo qua đời vì bệnh viêm phổi ngay tại ngôi nhà nơi bà sinh ra.