• goldenblitz creative

Bi kịch cuộc đời danh họa Van Gogh qua năm bức chân dung kinh điển của ông

Bi kịch, mâu thuẫn, và sóng gió là những từ ngữ phù hợp để nói về cuộc đời và sự nghiệp của Vincent Van Gogh - một trong những danh họa đắt giá bậc nhất thế giới. Danh tiếng của cây cọ người Hà Lan được căn cứ vào các họa phẩm mà ông đã thực hiện trong ba năm cuối của cuộc đời hội họa dài vỏn vẹn một thập kỷ.


Chân dung tự họa, thành phố Paris - Blitz Creatives
"Chân dung tự họa, thành phố Paris, Mùa thu 1886″( Ảnh: Wikimedia Commons) - Blitz Creatives

Bạn có biết rằng sự nghiệp hội họa của Van Gogh chỉ kéo dài vỏn vẹn một thập kỷ? Điều này có vẻ rất khó tin xét về gia sản hội họa đồ sộ của cây cọ người Hà Lan. Trong suốt sự nghiệp của mình, Van Gogh đã thực hiện ít nhất 39 tác phẩm chỉ riêng chân dung. Đằng sau mỗi bức tranh là một câu chuyện về cuộc đời của thiên tài hội họa, từ quyết định đi theo con đường hội họa cho tới cuộc chiến dai dẳng với căn bệnh trầm cảm. 

Sau đây, hãy cùng khám phá 5 bức chân dung tự họa đặc biệt nhất của danh họa Van Gogh. Không thể phủ nhận, có một số bức nổi tiếng hơn những bức khác, tuy nhiên, mỗi tấm đều khắc họa một chương trong câu chuyện cuộc đời của người họa sĩ huyền thoại, mang đến cho người yêu hội họa một cái nhìn gần gũi hơn về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những gương mặt quan trọng nhất trong lịch sử hội họa. 

Mỗi bức chân dung sau đều đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời danh họa Vincent van Gogh:

Bắt đầu sự nghiệp hội họa

"Chân dung tự họa trong vai trò là một họa sĩ," 1886 (Ảnh: Wikimedia Commons) - Blitz Creatives
"Chân dung tự họa trong vai trò là một họa sĩ," 1886 (Ảnh: Wikimedia Commons) - Blitz Creatives

Vincent van Gogh sinh ngày 30 tháng Ba, 1853 tại vùng Zundert, tỉnh Noord-Brabant, Hà Lan. Khi còn nhỏ, Van Gogh được tiếp xúc khá nhiều với hội họa (Van Gogh tập tành vẽ từ bé, đến năm 16 tuổi, ông làm việc tại một công ty môi giới nghệ thuật Goupil & Cie). Tuy nhiên, phải tới năm 28 tuổi thì ông mới theo đuổi sự nghiệp hội họa chuyên nghiệp. Nhờ sự chỉ dẫn của người thầy là họa sĩ duy thực người Hà Lan Anton Mauve, Van Gogh bắt đầu với với thể loại "tranh thôn quê", sử dụng những gam màu tối và những chủ đề thực tế.

Lối tiếp cận ở giai đoạn đầu sự nghiệp của Van Gogh được thể hiện rõ nét qua bức tranh Self-Portrait as a Painter (Tranh chân dung của một họa sĩ). Trong bức tranh, Van Gogh đang đứng trước giá vẽ, tay cần khay đựng màu. Tác phẩm được hoàn thành khi ông đã 33 tuổi và đang sinh sống tại thành phố Antwerpen, Bỉ. Trên thực tế, Self-Portrait as a Painter không chỉ là một trong những tác phẩm chân dung tự họa đầu tiên của Van Gogh mà còn đánh dấu lần đầu tiên ông xuất hiện trong tranh dưới vai trò là một người họa sĩ, là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hội họa của Van Gogh.


Sự thay đổi trong phong cách

"Chân dung tự họa với chiếc nón rơm," 1887 - Blitz Creatives
"Chân dung tự họa với chiếc nón rơm," 1887 (Ảnh: Wikimedia Commons) - Blitz Creatives

Van Gogh vẫn tiếp tục theo đuổi phong cách hội họa trên cho tới khi ông nhận ra một sự thật phũ phàng: Các tác phẩm "tranh thôn quê" của ông rất ế ẩm, kể cả khi có sự giúp đỡ của em trai Theo - một nhà môi giới nghệ thuật có tiếng tại Paris. Vậy là, Van Gogh có một quyết định táo bạo, học tập các họa sĩ thành công tới thủ đô Paris của Pháp với mong muốn có những biến chuyển tích cực trong sự nghiệp. Trong suốt khoảng thời gian đó, Van Gogh chuyển sang sử dụng bảng màu nhạt hơn và thử nghiệm lối vẽ lỏng, không quá tập trung vào chi tiết. Tiêu biểu là tác phẩm Self-Portrait with Straw Hat (Chân dung tự họa với chiếc Nón rơm).

Không may, các tác phẩm hiện đại của Van Gogh cũng không mấy đắt khách. Không đạt được thành công mong đợi, Van Gogh ngậm ngùi rời khỏi Paris. "Dường như Paris không phải nơi dành cho anh, nếu như không có một nơi nương náu để hồi phục và lấy lại sự kiểm soát cũng như khoảng bình yên trong tâm hồn thì chắc chắn họ sẽ bị tổn thương." Ông viết trong một bức thư gửi em trai Theo.

Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp

"Chân dung tự họa (dành tặng Paul Gauguin)" 188 8- Blitz Creatives
"Chân dung tự họa (dành tặng Paul Gauguin)" 1888 (Ảnh: Wikimedia Commons) - Blitz Creatives

Van Gogh quyết định tới Arles, một xã nằm phía Nam Pháp. Tại đây, ông hy vọng có thể lập được một xưởng vẽ chung nơi ông và các đồng nghiệp có thể sinh sống và làm việc, hướng tới một mục đích cao hơn là biến Arles trở thành một cộng đồng của các họa sĩ. Để hiện thực hóa được điều đó, Van Gogh đã thuê một vài căn phòng ở cùng một dãy căn hộ và đặt tên là "Nhà Vàng" và mời họa sĩ Paul Gauguin tới ở cùng mình. 

Gauguin chuyển tới "Nhà Vàng" vào mùa thu 1888 sau khi liên tục nhận được những lời mời nhiệt thành từ Van Gogh. Để thuyết phục Gauguin, Van Gogh thậm chí đã viết thư cho em trai mình để yêu cầu chi cho Gauguin một khoản trợ cấp hàng tháng. Đề nghị này được chấp thuận và Theo đã hứa chi cho Gauguin 150 franc/tháng nếu chuyển đến Arles. Trước khi chuyển tới đó, ông và Van Gogh đã trao đổi tranh chân dung: Gauguin tặng Van Gogh tác phẩm Self-Portrait Dedicated to Vincent van Gogh (Tranh chân dung tự họa dành tặng Vincent van Gogh), được truyền cảm hứng từ tác phẩm Les Misérables của Victor Hugo, còn Van Gogh lại tặng Gauguin tác phẩm Self-Portrait dedicated to Paul Gauguin (Tranh chân dung tự họa dành tặng Paul Gauguin) - với câu chuyện kỳ cục phía sau.


Căn bệnh trầm cảm

"Chân dung tự họa với một bên tai phải băng bó," 1889 - Blitz Creatives
"Chân dung tự họa với một bên tai phải băng bó," 1889 (Ảnh: Wikimedia Commons) - Blitz Creatives

Trên thực tế, Gauguin có những động lực riêng để tới Arles. Trong khi Van Gogh mong muốn ông làm cố vấn cho một nghệ sĩ đang phát triển như mình thì Gauguin đặt mục tiêu kiếm đủ tiền để có thể trở lại đảo Martinique, nguồn cảm hứng thực sự của đời ông. Khi tới Arles, Gauguin đã nói rõ rằng ông không hề quan tâm tới thị trấn này, rằng "đây là cái hố bẩn nhất ở miền Nam" và tuyên bố ý định sẽ rời đến đảo Martinique trong một ngày không xa. 

Chỉ sau hai tháng ở chung, hai họa sĩ đã bộc lộ rõ sự khác biệt dẫn tới nhiều mâu thuẫn. Van Gogh là người bốc đồng và sống với thế giới giả tưởng, trong khi Gauguin lại thiên về lý trí. Gauguin đã viết trong hồi ký của mình: "Giữa hai con người, tôi và Van Gogh, một người giống như núi lửa và người kia cũng sôi sục. Có thể nói đó là một trận chiến."

Khi các mâu thuẫn đã lên tới đỉnh điểm, Gauguin thông báo với em trai Van Gogh, người chu cấp cho ông, rằng ông sẽ rời đi. Nghe được tin này, Van Gogh đã nổi điên và có một hành động cực đoan, kỳ quái bậc nhất lịch sử nghệ thuật - Ông tự cắt tai mình. Sau đó, Gauguin từ chối không liên quan gì nữa với một "người điên khùng".

Sau khi trở về từ bệnh viện, Van Gogh đã thực hiện tác phẩm Self-Portrait With a Bandaged Ear (Chân dung tự họa với một bên tai bị băng kín), một trong những tác phẩm thành công vang dội nhất của người họa sĩ, đặc trưng cho nét vẽ thô, mạnh mẽ và sự hứng thú của ông với hội họa Nhật Bản, ẩn chứa bên trong là nỗi đau khổ của một tâm hồn bệnh hoạn. 

Nhìn từ bên ngoài, trạng thái của Van Gogh có vẻ đã ổn định hơn, tuy nhiên, bác sĩ của ông, Félix Rey đã nhận thấy tình trạng của người họa sĩ thực chất đang tệ dần. Mùa xuân năm 1889, Van Gogh đã tình nguyện đi kiểm tra tâm lý tại Saint-Rémy-de-Provence, thị trấn kế bên. 


Bi kịch rối loạn tinh thần

"Chân dung tự họa," 1889 - Blitz Creatives
"Chân dung tự họa," 1889 (Ảnh: Nasjonalmuseet CC-BY-NC) - Blitz Creatives

Van Gogh vẫn tiếp tục vẽ trong khoảng thời gian điều trị tâm lý. Ông thậm chí đã biến một căn phòng tại bệnh viện trở thành xưởng vẽ của mình và đã hoàn thành tới 150 tác phẩm tại đó, bao gồm kiệt tác The Starry Night, Vase with Irises, và bức chân dung tự họa bi kịch nhất đời mình.

Van Gogh thực hiện tác phẩm này khi đang trải qua giai đoạn suy sụp vào cuối hè năm 1889. Bức tranh khắc họa tình trạng của ông trong những năm cuối đời: Sự chấp nhận. "Ông có thể đã vẽ bức tranh này như một nỗ lực để chấp nhận hình ảnh phản chiếu trong gương: một con người mà ông không muốn phải trở thành nhưng đáng buồn rằng đó lại là ông." Louis van Tilborgh, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Bảo tàng Van Gogh giải thích. "Đây chính là yếu tố tạo nên sự đặc biệt của bức họa. Nó là tác phẩm duy nhất được danh họa thực hiện trong giai đoạn suy sụp bởi chứng rối loạn tinh thần."

Gần một năm sau đó Van Gogh được xuất viện. Ông chuyển tới Auvers-sur-Oise, ngoại ô Paris. Tại đó, ông đã kết liễu cuộc đời bằng một phát súng. Hai ngày sau (29/07/1890), danh họa qua đời, hưởng dương 37 tuổi.

6 lượt xem0 bình luận