-
goldenblitz creative
-
Vị trí của thiết kế đồ họa trong các viện bảo tàng nghệ thuật ngày nay
Cùng Blitz Creatives và ba vị giám tuyển bàn về những giá trị và thách thức trong việc thu thập, lựa chọn và vị trí của thiết kế đồ họa ở các bảo tàng nghệ thuật.
Có lẽ chúng ta không nhận ra rằng thiết kế đồ họa ngày nay đang dần bị bão hòa. Nó như một dấu hiệu thông báo rằng: ngoài việc làm đúng vai trò của người sáng tạo, chúng ta cũng không được quên nhu cầu của người tiêu dùng, việc này giúp chúng ta có thể hiểu và tham gia vào hệ sinh thái chung của thị trường.
Ngày nay trong các bảo tàng nghệ thuật, tầm quan trọng của thiết kế đồ họa không chỉ thể hiện ở những tấm bảng hiệu. Các bảo tàng nghệ thuật ở nhiều nơi đang kết hợp thiết kế đồ họa vào bộ sưu tập và các chương trình của họ. Chúng tôi may mắn được có buổi trò chuyện với ba người phụ trách tổ chức chương trình văn hóa hàng đầu của Hoa Kỳ, về tầm quan trọng của thiết kế, những thách thức của việc tìm nguồn cung ứng các tài liệu và cách họ nghĩ về đồ họa như một lĩnh vực cần được mở rộng.
Gặp gỡ những người tham gia:
-
Juliet Kinchin – giám tuyển, bộ phận kiến trúc và thiết kế tại MoMA
-
Alexander Tochilovsky – phó giáo sư và giám tuyển, Trung tâm nghiên cứu thiết kế và typography Herb Lubalin tại Cooper Union (the Herb Lubalin Study Center of Design and Typography)
-
Staci Steinberger – phó giám tuyển, nghệ thuật trang trí và thiết kế tại Bảo tàng nghệ thuật – Los Angeles (Los Angeles County Museum of Art – LACMA)
1. Thiết kế đồ họa nên trưng bày riêng biệt hay kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác tại bảo tàng?
Juliet Kinchin: Vâng, mọi sự kết hợp đều có thể xảy ra. Tôi nghĩ cần có một vai trò cho các nghiên cứu chuyên sâu về đồ họa, đặc biệt là bối cảnh để đặt các tấm poster. Nhiệm vụ của MoMA là luôn cố gắng và kết hợp các poster hiện đại với các loại hình nghệ thuật khác, như phim ảnh, hội họa hoặc nhiếp ảnh.
Khi MoMA thiết kế lại phòng trưng bày, với tầng thứ tư dành cho các công trình độc quyền từ những năm 1960, tôi đã làm việc trong khu vực thiết kế dành cho năm 1967. Tôi đã tạo nên một không gian triển lãm với những tấm poster ảo giác. Chúng tôi muốn thử nghiệm và tạo ra một trải nghiệm tuyệt vời hơn là chỉ xem poster là những hình ảnh riêng lẻ. Thiết kế đồ họa là một phương tiện linh hoạt tuyệt vời, và bạn có thể tạo nên những câu chuyện phong phú thông qua chúng.
Alexander Tochilovsky: Tôi đồng ý. Tôi nghĩ rằng nó nên được tích hợp vào các triển lãm mỹ thuật hoặc có những người tập trung vào thiết kế đồ họa cụ thể. Nó có thể mang lại nhiều bối cảnh hơn với vai trò định hình văn hóa của chúng ta.
Staci Steinberger: Tại LACMA, ý tưởng về thiết kế đồ họa của chúng tôi được hình thành như một sự hợp tác liên ngành giữa bộ phận nghệ thuật trang trí, thiết kế và bộ phận in, vẽ. Chúng tôi cũng đã hợp tác với các bộ phận khác như nghệ thuật Nhật Bản, nghệ thuật Mỹ, và nghệ thuật hiện đại. Chúng tôi đã thực sự cố gắng đưa thiết kế đồ họa vào các câu chuyện lớn của lịch sử nghệ thuật và thiết kế. Tôi đã tổ chức một số chương trình triển lãm như: Between the Lines: Typography in LACMA’s Collection, với mong muốn truyền đạt một cách cụ thể nhất với người tham gia chương trình về thiết kế đồ hoạ.
2. Các nhà giám tuyển làm thế nào để thiết kế đồ họa và typography có thể phù hợp với người xem không am hiểu về thiết kế?
Tochilovsky: Khách hàng của chúng tôi chủ yếu đến từ cộng đồng thiết kế đồ họa, vì vậy đây chắc chắn là một triển lãm vừa cân bằng giữa các các nhà thiết kế đồ họa và vừa lôi cuốn những khách hàng ngoài chuyên môn. Chúng tôi đã cẩn thận không làm cho họ quá bỡ ngỡ với những quy luật của thiết kế.
Phải nói rằng hơn 33 năm qua tại Trung tâm thiết kế và typography Herb Lubalin, chúng tôi đã tổ chức hơn 70 triển lãm dành cho thiết kế đồ họa và đó thực sự là một cơ hội tuyệt vời để thiết kế đồ họa ứng dụng hơn trong các triển lãm. Nhiệm vụ của chúng tôi là phát triển thiết kế dưới nhiều góc độ nhất qua các chương trình, để tiếp cận những người không phải là nhà thiết kế, giúp họ nhận được giá trị từ chúng. Mặc dù văn hóa thị giác xung quanh chúng ta đang thay đổi từng giây, song mọi người vẫn đánh giá cao mỗi framework thiết kế và tái thiết kế các hình ảnh xung quanh chúng ta mỗi ngày.
Chúng tôi đã làm một cuộc triển lãm về thiết kế dược phẩm vào những năm 1960 và chúng tôi tìm thấy rất nhiều nhà thiết kế đồ họa thực sự giỏi. Nhiều người xem triển lãm đang làm trong lĩnh vực dược phẩm cũng phải kinh ngạc khi thấy lĩnh vực của họ lại có thể được trình bày đẹp và sáng tạo như vậy. Chúng ta thường không đặt nặng vấn đề thẩm mỹ trong lĩnh vực dược phẩm, nhưng nếu bạn quan sát tinh tế, giả định đó thực sự không đúng. Vì vậy, chúng tôi thực sự coi trọng những giá trị mà mình đã mang lại sau những cố gắng. Đó là một trong nhiều điều tôi luôn đánh giá cao.
Thiết kế đồ họa là một phương tiện linh hoạt tuyệt vời, và bạn có thể kể những câu chuyện phong phú thông qua nó.
3. Những thách thức của việc trưng bày một sản phẩm từ thiết kế đồ họa ví dụ như typography là gì?
Steinberger: Tôi thực sự nghĩ rằng mọi người sẽ hiểu nó. Đó là một cơ hội nhiều hơn là một thách thức đối với chúng tôi với tư cách người phụ trách. Bây giờ chúng ta đang ở một thế giới nơi mọi người đều biết typography hoặc font chữ là gì; mọi người đều tiếp cận với chúng mỗi ngày. Và vì vậy, vẻ đẹp của typography trong một bộ sưu tập có thể đưa ra nghiên cứu thông quá các câu hỏi như: ‘Lựa chọn này có tính thẩm mỹ như thế nào?’. Dựa vào đấy mọi người có thể đưa ra quyết định đúng đắn khi họ tạo tài liệu và ấn phẩm trên máy tính hoặc suy nghĩ đến việc tiếp cận phương tiện truyền thông của riêng họ.
Như Alexander nói, phương tiện truyền thông bao quanh chúng ta, chúng ở khắp mọi nơi. Quảng cáo đến với chúng ta từ mọi hướng. Vì vậy, những triển lãm này thực sự mang đến cho mọi người không gian để suy nghĩ về văn hóa thị giác hiện đại.
4. Quá trình tạo bộ sưu tập thiết kế đồ họa khác với các bộ sưu tập mỹ thuật khác là gì?
Steinberger: Thông qua các ý tưởng về thiết kế đồ họa, chúng tôi nhận ra rằng trong bộ sưu tập của chúng tôi đã có một số poster tuyệt vời. Một ví dụ là Trung tâm Rifkind – trung tâm nghệ thuật biểu hiện (German Expressionist art) của chúng tôi, nó có một số poster về chiến tranh Đức thực sự hấp dẫn, mặc dù đây không phải một bộ sưu tập hoàn chỉnh và chúng tôi cũng chưa từng lên kế hoạch cho bộ sưu tập này. Vì vậy, một khi chúng tôi đưa ra ý tưởng của mình, chúng tôi đã cố gắng suy nghĩ, “Quan điểm của L.A là gì, hay phối cảnh bảo tàng nghệ thuật cho thiết kế đồ họa sẽ như thế nào?” Những bộ sưu tập tuyệt vời như vậy được thu thập từ nhiều tổ chức khác nhau, vì vậy chúng ta có thể mang đến những gì?
Kể từ năm 2014, chúng tôi đã có được hơn 2.000 đối tượng trong thiết kế đồ họa, khác hẳn với việc thu thập các tác phẩm mỹ thuật. Điều này một phần là do bản chất của tài liệu. Thiết kế đồ họa thường được in theo số lượng lớn, và nó cũng ít tốn kém hơn. Chúng tôi thực sự không có ngân sách dành riêng cho ý tưởng này. Vì vậy, chúng tôi phải có chiến lược trong những khoản chi. Chúng tôi cũng đã rất may mắn khi có một số nhà tài trợ và nhà sưu tập hào phóng.
Các nhà sưu tập tác phẩm thiết kế đồ họa không phải lúc nào cũng có chung suy nghĩ với các nhà sưu tập nghệ thuật truyền thống. Bởi vì tài liệu dễ tiếp cận hơn, những người làm trong lĩnh vực này có thể giao tiếp trực tiếp với nhau và trao đổi tác phẩm từ đồng nghiệp hay bạn bè. Bộ sưu tập của chúng tôi gồm những tác phẩm từ thập niên 60 đến đầu thập niên 90, từ California đến Nhật Bản và Scandinavia. Do đó, chúng tôi có mối liên hệ với nhiều nhà thiết kế khác.
Vì thiết kế đồ họa ở khắp mọi nơi, chúng tôi thực sự có được tài liệu bằng cách liên hệ với các nhà thiết kế thông qua phương tiện truyền thông xã hội như nhắn tin trực tiếp trên Instagram hoặc Facebook. Chúng tôi cũng đã thực hiện một số giao dịch mua trên eBay, những poster như Design Quarterly hoặc tờ báo Black Panther của Emory Douglas. Thật buồn cười, vì chúng tôi đã phải tổ chức các cuộc họp để thảo luận về cách mua hàng trên eBay cho bảo tàng. Đó là một quá trình rất khác so với việc có được một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo khác.
Mặc dù văn hóa thị giác xung quanh chúng ta đang thay đổi từng giây, song mọi người vẫn đánh giá cao mỗi framework thiết kế và tái thiết kế của các hình ảnh xung quanh chúng ta mỗi ngày.
Kinchin: Gần đây chúng tôi đã thực hiện việc mua lại bộ sưu tập đồ họa Merrill Berman, và đó là ý tưởng của các bộ phận trong bảo tàng, nó cho thấy tầm quan trọng của thiết kế đồ họa đối với nghệ thuật hiện đại và đương đại. Đây là tài liệu về những cuộc triển lãm và xuất bản lớn. Tôi nghĩ một trong những điều cần bổ sung là các thiết kế đặc trưng của mỗi giai đoạn và đó là cơ hội để các tác phẩm kỹ thuật số tham gia vào ‘bức tranh toàn cảnh’ của nghệ thuật. Điều đó thực sự hấp dẫn đối với nhiều người.
Tochilovsky: Tôi hoàn toàn đồng ý. Tài liệu về những tác phẩm này là một trong những điều chúng tôi rất háo hức để thu thập. Chúng tôi có bản phác thảo của Herb Lubalin, chúng tôi có một số máy móc, công cụ. Đó là những điều mà tôi cực kỳ quan tâm để đảm bảo rằng bộ sưu tập của chúng tôi có thể tiếp tục phát triển, vì đó là một trong những điều khó tìm nhất. Ngay cả trong thị trường lớn, vẫn rất khó có thể kiếm được cái tài liệu này vì nó từng là thứ đầu tiên bị vứt bỏ. Vì vậy, thu thập tài liệu thiết kế đồ họa là một điều kì diệu, và nó giúp kể câu chuyện về cách mọi thứ được tạo ra trên máy tính.
Kinchin: MoMA đã xây dựng một bộ sưu tập poster thực sự mạnh mẽ. Thiết kế đồ họa là thứ mà Alfred H. Barr, giám đốc đầu tiên của chúng tôi và những người khác sau ông đã rất tích cực tham gia thu thập. Có được bộ sưu tập đồ họa từ Jan Tschichold trong một vài giai đoạn chính là ‘một viên ngọc quý’. Nó chứa các tài liệu in từ thập niên 1920 và những năm 30 với đủ hình dạng và kích cỡ dưới nhiều hình thức. Mất khá nhiều thời gian để đưa nhiều tài liệu đó lên mạng.
Vì thiết kế đồ họa ở khắp mọi nơi, chúng tôi có được tài liệu bằng cách liên hệ với các nhà thiết kế thông qua phương tiện truyền thông xã hội, như nhắn tin trực tiếp trên Instagram hoặc Facebook. Chúng tôi cũng đã thực hiện một số giao dịch mua trên eBay.
Gần đây, chúng tôi đã xem ý tưởng đồ họa là một lĩnh vực mở rộng, vì vậy những thứ như tiêu đề phim hoặc thiết kế triển lãm rất quan trọng và nó thường là một phần mở rộng của thiết kế đồ họa. Chúng tôi cũng tập trung vào việc xây dựng một loạt các tài liệu từ các khu vực Trung và Đông Âu cũng như Mỹ Latinh, đồng thời cố gắng xây dựng một số bộ sưu tập của người Mỹ gốc Phi. Như Stacy và Alexander đã nói, thiết kế đồ họa có ở khắp mọi nơi và có quá nhiều thứ, vậy làm thế nào để lựa chọn và nên ưu tiên tác phẩm nào trước? Thiết kế đồ hoạ là loại hình nghệ thuật không bao giờ kết thúc và vô cùng thú vị để khám phá.