-
goldenblitz creative
-
Khám phá tâm lý học màu sắc trong thiết kế logo
Hẳn bạn đã từng nghe qua một số lý thuyết khoa học về màu sắc như cam đại diện cho sự trẻ trung, mang đến cảm giác phấn khởi; xanh lá đại diện cho sự sống, mang đến cảm giác mát mẻ hay đỏ đại diện cho sự kích thích, mang đến cảm giác đói bụng.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ dẫn chứng các nghiên cứu về tâm lý học màu sắc và những thương hiệu lừng danh đã ứng dụng lý thuyết đó vào thiết kế logo của họ như thế nào.
Logo là yếu tố nhận diện quan trọng trong các chiến dịch truyền thông của bất kỳ công ty nào. Logo xuất hiện khắp mọi nơi, trên chiếc áo thun bạn mặc, điện thoại bạn cầm, hộp cơm bạn ăn. Những kiểu logo thường thấy bao gồm đa dạng các typography, kí hiệu, hình vẽ, chữ viết tắt và được lồng phối một cách khéo léo cũng như đầy ẩn ý trong vô vàn sắc độ khác nhau.
Logo và Nhận diện thương hiệu
Một chiếc logo ra đời với sứ mệnh truyền tải bản sắc/tinh thần/truyền thống của doanh nghiệp đến khách hàng. Nhưng diện tích bề mặt thể hiện logo lại có giới hạn. Vậy làm sao để các thương hiệu vừa dung hòa được toàn bộ thông điệp của nhãn hàng, lại vừa đảm bảo ngắn gọn, súc tích?
Câu trả lời nằm ở hai từ “màu sắc”. Sự ảnh hưởng của màu sắc đến chiến lược truyền thông của công ty, đặc biệt đối với mức độ nhận diện thương hiệu là cực kì mạnh mẽ. Theo Học viện Khoa học Marketing, nhà nghiên cứu Lauren Labrecque và George Milne đã chỉ ra rằng, màu sắc trong logo là trung tâm của toàn bộ bộ nhận diện thương hiệu, góp phần nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu và truyền đạt thông điệp nhanh chóng hơn mọi yếu tố khác như kí hiệu, chữ viết hay hình ảnh.
Khi nghiên cứu về sự khác biệt giữa các màu sắc trên thị trường thương mại, Labrecque và Milne đã phân chia logo của các công ty theo từng nhóm màu cho từng lĩnh vực, từng ngành hàng cụ thể. Nghiên cứu chỉ ra rằng logo màu xanh dương được dùng nhiều nhất (trên 70%) ở các sản phẩm thẻ tín dụng, thiết bị gia dụng, thiết bị điện tử và y dược, trong khi đó, đối với ngành hàng thức ăn nhanh, con số này chỉ dừng lại ở 20%. Tiếp theo là một màu phổ biến khác: màu đỏ. Thú vị là màu đỏ được tìm thấy trong 0% tổng logo ngành may mặc nhưng chiếm đến hơn 60% logo thương hiệu ngành bán lẻ.
Đứng ở khía cạnh tâm lý học, giữa hàng trăm quảng cáo mà người tiêu dùng nhìn thấy mỗi ngày, màu sắc trên logo sẽ là yếu tố trực quan tiên quyết giúp tiềm thức nhận ra sản phẩm này là gì và được bán bởi ai.
Ngoài ra, Lauren Labrecque và George Milne cũng đề cập trong bài nghiên cứu về ý nghĩa phổ biến của những màu cơ bản đối với tâm lý người tiêu dùng như sau:
-
Trắng: gợi cảm giác thuần khiết, sạch sẽ, đơn giản, bình yên. Ngành hàng phù hợp: chăm sóc sức khỏe, công nghệ, dược phẩm.
-
Hồng: gợi cẩm giác ấm áp, mềm mịn, cân bằng. Ngành hàng phù hợp: chăm sóc sắc đẹp, đồ chơi, quần áo lót.
-
Đỏ: gợi cảm giác phấn khích, mạnh mẽ, thời thượng. Ngành hàng phù hợp: bán lẻ, sức khỏe.
-
Cam: gợi cảm giác sống động, tràn đầy năng lượng, hướng ngoại. Ngành hàng phù hợp: thể dục thể thao, xuất nhập khẩu, công nghệ.
-
Vàng: gợi cảm giác lạc quan, thân thiện, tươi tắn. Ngành hàng phù hợp: thể dục thể thao, công nghệ số, ngân sách.
-
Xanh lam: gợi cảm giác tin tưởng, hiệu quả, logic. Ngành hàng phù hợp: tài chính, sức khỏe, công nghệ, bảo hiểm.
-
Đen: gợi cảm giác tinh tế, sang trọng, quyền lực. Ngành hàng phù hợp: thời trang, tài chính, kĩ thuật tự động.
-
Tím: gợi cảm giác sang trọng, chất lượng, chính xác. Ngành hàng phù hợp: xa xỉ phẩm, công nghệ, thiết kế.
-
Nâu: gợi cảm giác tự nhiên, nghiêm túc, chắc chắn. Ngành hàng phù hợp: bánh kẹo, cà phê.
-
Xanh lá: gợi cảm giác an toàn, thiên nhiên, cởi mở. Ngành hàng phù hợp: sản phẩm thân thiện môi trường, chăm sóc sức khỏe, dã ngoại.
Xu hướng màu sắc trong logo của Fortune 500
Fortune 500 là một danh sách xếp hạng 500 tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ theo tổng doanh thu năm tài chính, được biên soạn và xuất bản bởi tạp chí Fortune.
Trong quá trình nghiên cứu, để củng cố thêm quan điểm màu sắc ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, Labrecque và Milne đã tổng hợp logo của top 500 tập đoàn lớn nhất Hoa Kì và nhận thấy rằng, dù trải qua bao nhiêu thời kì kinh tế hay quy chế xã hội thì màu xanh dương cho đến nay vẫn là sự lựa chọn phổ biến nhất trong lịch sử thiết kế logo của Fortune 500. Thật dễ hiểu vì sao logo màu xanh lại là lựa chọn phổ biến như vậy. Màu xanh là màu không gây cảm giác khó chịu, mang tính cơ bản, an toàn và tinh tế. Vì thế, các công ty trong ngành tài chính, công nghệ, sức khỏe, bảo hiểm luôn chọn màu xanh dương, xanh da trời với mong muốn khách hàng có thể dễ dàng nhận ra thông điệp bên trong ý nghĩa của màu xanh “Sự uy tín và sự bảo mật là điều chúng tôi ưu tiên phục vụ bạn”. Cũng trong Fortune 500, màu đỏ tuy mang cá tính mạnh nhưng lại là màu sắc được ưa chuộng thứ hai trong thiết kế logo, sau màu xanh dương. Các màu còn lại bao gồm xanh lá, đen, vàng, cam và tím. Màu hồng không góp mặt trong bất kì logo nào của Fortune 500.
Yếu tố sinh lý quyết định mức độ ảnh hưởng của màu sắc đến tâm lý
Mối tương quan giữa màu sắc và tâm lý con người không xuất phát từ bản chất của màu sắc, mà là kết quả của quá trình khi những màu đó thường xuyên được sử dụng trong hoàn cảnh tương đồng cụ thể. Ví dụ như màu cam được xem là màu truyền năng lượng không phải bởi nó được sinh ra với nhiệm vụ thiên bẩm là truyền năng lượng, mà vì hàng triệu thương hiệu trên toàn cầu đã đồng loạt sử dụng màu cam trong các logo, ấn phẩm có nội dung lan tỏa thông điệp tích cực. Từ đó, não bộ người tiêu dùng dần học được phản xạ có điều kiện rằng khi màu cam xuất hiện thì sẽ có năng lượng tốt đẹp kèm theo. Tận dụng được việc nền tảng ý nghĩa của màu sắc đã được hình thành một cách tự nhiên trong tiềm thức người tiêu dùng như thế, các thương hiệu tiếp tục kế thừa và áp dụng tối đa vào thiết kế logo ngày nay.
Tuy nhiên, Labrecque và Milne cảnh báo các thương hiệu phải xác định đối tượng khách hàng của mình trước khi sử dụng màu sắc trong thiết kế logo bởi tiềm thức về màu sắc của khách hàng được xác định trên nhiều yếu tố khác nhau như độ tuổi, giới tính, văn hóa, môi trường công việc.
Thực tế phức tạp hơn lý thuyết rất nhiều.
Màu đỏ không chỉ tượng trưng cho sự ngon miệng, nhiệt thành mà trong vài hoàn cảnh, khách hàng còn xem nó là màu của máu, của sự nguy hiểm. Màu đen thường đại diện cho sự trung thành và đáng tin cậy, nhưng cũng có thể là biểu tượng của sự thô ráp, thiếu tế nhị. Màu vàng được sử dụng để thể hiện hạnh phúc và ấm áp ở hầu hết các vùng của Bắc Mỹ, ngược lại, các quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh coi màu vàng là dấu hiệu của cái chết và nỗi buồn.
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Wen-Yuan Lee, Lee chỉ ra rằng màu hồng-đỏ-cam được yêu thích nhất trong nhóm đối tượng có độ tuổi từ 56 đến 84 tuổi và màu trắng-đen-vàng được yêu thích nhất trong nhóm đối tượng trẻ hơn từ 18 đến 30 tuổi. Thậm chí, vào năm 1897, nhà khoa học Jastrow xác định đàn ông thích màu xanh lam hơn đỏ và ngược lại, phụ nữ thích màu đỏ hơn xanh. Phát hiện này được củng cố sau đó bởi Birren vào năm 1952, kết quả nghiên cứu cho thấy đàn ông thích màu cam hơn vàng trong khi đa số phụ nữ xếp hạng màu cam ở cuối danh sách yêu thích.
Như vậy, mức độ ảnh hưởng của màu sắc đến với tâm lý phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm sinh lý của từng nhóm đối tượng riêng biệt. Các nhà thiết kế và điều hành doanh nghiệp cần thực hiện nghiên cứu, khảo sát khách hàng tiềm năng kĩ lưỡng trước khi thực hiện thiết kế logo để tránh những sai biệt không đáng có trong tâm lý học sắc màu.
Có nên thiết kế logo theo xu hướng?
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thường cho rằng logo miễn nhiễm với việc chạy theo xu hướng. Thực tế, nhiều thương hiệu cập nhật logo của họ sau mỗi 1 hoặc 5 năm, sự linh hoạt này cho phép họ luôn đi đầu trong các xu hướng thiết kế hiện tại mà không đánh mất bản sắc thương hiệu cốt lõi của sản phẩm. Hãy nghĩ về các mục tiêu kinh doanh trước khi quyết định có nên thay đổi logo theo xu hướng thời thượng hay không. Nếu một doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm dành cho giới trẻ, muốn bắt kịp xu thế để tăng tương tác và sự mới lạ cho khách hàng thì việc thay đổi theo xu hướng là điều hợp lý. Nhưng nếu thương hiệu gắn liền với các sản phẩm đề cao tính nghiêm túc và kiên định, hãy hướng đến chiếc logo có thiết kế “vượt thời gian”.
3 bước để thiết kế logo hoàn hảo
Bước 1: Nghiên cứu thị trường
Trước hết, bạn cần xác định mặt hàng doanh nghiệp kinh doanh là gì và khách hàng mục tiêu là những ai, từ đó có thể tiếp tục phân tích các yếu tố sinh lý và tâm lý đặc trưng của nhóm khách hàng để thực hiện các kế hoạch kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, đừng quên nghiên cứu các công ty đối thủ đang sử dụng các logo như thế nào để học hỏi và đối chứng với thiết kế logo của mình.
Bước 2: Chọn kiểu logo
Có hai kiểu logo phổ biến hiện nay, đó là kiểu chữ cái và kiểu biểu tượng. Thông thường, thiết kế logo theo kiểu chữ cái nghĩa là đặt tên công ty hoặc tên sản phẩm vào trung tâm của tổng thể logo. Kiểu logo này sẽ trở nên hoàn mỹ nếu nhà thiết kế chọn được một kiểu chữ độc đáo và màu sắc ấn tượng. Kiểu logo biểu tượng thường không có hoặc rất hạn chế chữ cái mà chủ yếu sử dụng hình ảnh, kí hiệu hoặc lồng ghép cả hai nhằm tạo nên một chiếc logo dễ ghi nhớ, dễ nhận biết.
Bước 3: Chọn màu sắc
Bước này đòi hỏi nhà thiết kế và doanh nghiệp cần nghĩ xa hơn là màu sắc của một chiếc logo. Những kiểu danh thiếp, website, hình ảnh chủ đạo của công ty đều cần được đồng bộ với màu sắc của chiếc logo, thế nên cần phải được quyết định thật nghiêm túc. Hãy lưu ý những tác động của màu sắc đến tâm lý khách hàng trong bài viết này để có sự lựa chọn thông minh nhé!