• goldenblitz creative

Phân biệt hệ màu CMYK và RGB

Sự khác biệt giữa RGB và CMYK là một trong những câu hỏi phổ biến nhất khi các bạn học về màu sắc trong thiết kế. Trong bài đăng này, chúng ta sẽ xem xét sự khác biệt giữa chúng và tại sao điều quan trọng là phải biết nên sử dụng hệ màu nào khi thiết kế. CMYK là gì?

CMYK là từ viết tắt tiếng Anh của cơ chế hệ màu trừ, thường được sử dụng trong in ấn. Nó bao gồm các màu sau:

  • C = Cyan (xanh)

  • M = Magenta (hồng)

  • Y = Yellow (vàng)

  • K = Black (Đen)

Nguyên lý làm việc chính của hệ CMYK là hấp thụ ánh sáng. Màu mà ta nhìn thấy là từ phần của ánh sáng không bị hấp thụ, hay nói cách khác, chúng hoạt động trên cơ chế những vật không tự phát ra ánh sáng mà chỉ phản xạ ánh sáng từ các nguồn khác chiếu tới. Do đó thay vì thêm độ sáng để có những màu sắc khác nhau, CMYK sẽ loại trừ ánh sáng đi từ ánh sáng gốc là màu trắng để tạo ra các màu sắc khác. 3 màu Cyan, Magenta và Yellow khi kết hợp sẽ tạo ra một màu đen. Sử dụng:

Hệ màu CMYK thường được sử dụng khi thiết kế phục vụ cho mục đích in ấn như poster, brochure, name card, catalogue, sách hoặc tạp chí. Các định dạng file tốt nhất cho cmyk:


  • Các file PDF rất lý tưởng cho hệ màu CMYK, vì chúng tương thích với hầu hết các phần mềm.

  • AI là file nguồn chuẩn cho các tài liệu CMYK.

  • EPS có thể là một file nguồn tuyệt vời thay thế cho AI vì nó tương thích với các chương trình vector khác…

RGB là gì?

RGB là hệ màu cho hình ảnh kỹ thuật số. Sử dụng chế độ màu RGB nếu thiết kế của bạn phải hiển thị trên bất kỳ loại màn hình nào. Nó bao gồm các màu sau:

  • R = Red (đỏ)

  • G = Green (xanh lá)

  • B = Blue (xanh dương)

Nguyên lý làm việc của hệ RGB là phát xạ ánh sáng, hay còn gọi là mô hình ánh sáng bổ sung (các màu được sinh ra từ 3 màu RGB sẽ sáng hơn các màu gốc)… Nếu CMYK là nơi bạn bắt đầu từ một tờ giấy trắng và sau đó thêm các màu khác, thì RGB hoạt động ngược lại. Ví dụ, khi màn hình TV tắt thì nó tối đen, khi bạn bật nó lên nó sẽ thành các màu đỏ, xanh lá cây, xanh dương, cộng thêm hiệu ứng tích lũy là màu trắng, để từ đó phát ra ánh sáng và hình ảnh. Designer có thể kiểm soát các khía cạnh như độ bão hòa (saturation), độ tươi (vibrancy) và đổ bóng (shading) bằng cách sửa đổi bất kỳ màu nào trong ba màu gốc. Bởi vì nó được thực hiện bằng kỹ thuật số, về bản chất designer sẽ thay đổi cường độ ánh sáng trên màn hình thể hiện để tạo ra màu sắc họ muốn. Sử dụng: Mã màu RGB thường được sử dụng để thiết kế vật thể trên màn hình kỹ thuật số như máy tính, điện thoại, và các thiết bị điện tử khác... Các định dạng file tốt nhất cho rgb:


  • JPEG là lý tưởng cho các tệp RGB, rất phổ biến và chúng ta có thể đọc được ở hầu hết mọi thiết bị.

  • PSD là file nguồn chuẩn cho các tài liệu RGB.

  • PNG hỗ trợ độ trong suốt và tốt hơn cho đồ họa cần được đặt chồng lên trên các đồ họa khác.

  • GIF làm hình ảnh chuyển động, vì vậy nếu bạn sử dụng một animation, chẳng hạn như logo di chuyển hoặc nhảy ra, loại file này sẽ là lý tưởng.

Tốt nhất là tránh các định dạng TIFF, EPS, PDF và BMP cho hệ màu RGB. Các định dạng này không tương thích với hầu hết các phần mềm, chưa kể chúng có thể lớn một cách không cần thiết về mặt dữ liệu khi đưa lên trực tuyến. Sự khác nhau giữa CMYK và RGB

CMYK và RGB sẽ được sử dụng dựa trên các mục đích khác nhau. Các file hệ RGB sẽ làm việc tốt với các thiết bị phát quang sử dụng ánh sáng trắng làm cơ sở. Vì thế hệ RGB được sử dụng cho các màu thể hiện trên màn hình máy tính cũng như các màu trong ngành thiết kế Web được chiếu qua các màn hình hay máy chiếu dùng ánh sáng. Ngược lại, CMYK lại là hệ màu ưa thích của máy in, một nhà thiết kế ảnh số có thể chỉnh sửa với ảnh hệ màu RGB nhưng ảnh khi in ra trên các máy in sử dụng mực CMYK sẽ thể hiện các màu khác so với màu bạn thấy trên màn hình. Bởi vậy, với các thiết kế digital trên web thì bạn cần chọn lựa màu RGB còn in ấn thì sẽ chọn CMYK. Bạn cũng cần lưu ý chỉnh hệ màu ngay từ đầu để tránh màu sản phẩm và màu thiết kế không khớp nhau. Chuyển đổi qua lại giữa các hệ màu Trong hầu hết các phần mềm đồ họa đều có chức năng cho bạn chuyển đổi qua lại giữa các hệ màu. Dưới đây là cách làm ở 2 phần mềm thông dụng nhất - Photoshop và Illustrator để các bạn tham khảo.

  • Trong Illustrator : Vào menu File -> Document Color Mode -> CMYK Color (hoặc RGB Color)

  • Trong Photoshop : Vào menu Image -> Mode -> chọn mode muốn chuyển.

Tuy nhiên, do CMYK là hệ màu trừ và RGB là hệ màu cộng nên khi chuyển đổi qua lại sẽ không tránh khỏi tình trạng bị lệch màu. Sau khi chuyển đổi, các thông số của từng màu sẽ không phải số nguyên chẵn mà là các số thập phân lẻ, tùy theo mode màu mà kết quả các bạn nhận được sẽ sáng hơn hoặc tối hơn màu ban đầu.

0 lượt xem0 bình luận