-
goldenblitz creative
-
5 điều thú vị có thể bạn chưa biết về nhà làm phim đại tài Hayao Miyazaki
Trong suốt vài thập kỷ qua, nhà làm phim hoạt hình xuất chúng Hayao Miyazaki và là nhà đồng sáng lập Studio Ghibli nổi tiếng đã cho ra đời không biết bao nhiêu bộ phim hoạt hình làm mê hoặc khán giả ở mọi lứa tuổi. Ông nhận được những lời ca ngợi từ khắp quốc tế và là một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất nhờ những thước phim đầy ý nghĩa và giàu trí tưởng tượng của mình. Dù bạn có thể là một fan ruột của Miyazaki và những bộ phim của ông đi chăng nữa, bạn cũng khó có thể hiểu rõ về cuộc sống và những bí mật đằng sau nhiều thước phim nổi tiếng của ông. Do đó, bài viết này với những thông tin thú vị mong rằng sẽ có thể giúp những người hâm mộ của Miyazaki và những tác phẩm của ông hiểu thêm về các khía cạnh và yếu tố góp phần tạo nên sự thành công vang dội của nhà làm phim đại tài này.
Ông cực kì yêu thích máy bay
Hayao Miyazaki sinh ngày 5 tháng 1 năm 1941 tại Bunkyo, Tokyo, Nhật Bản. Xuyên suốt tuổi thơ của mình, ông đã bộc lộ năng khiếu với nghệ thuật hội họa, đặc biệt là vẽ truyện manga. Với đam mê cháy bỏng của mình dành cho manga, ông đã từ bỏ tốt nghiệp tại trường đại học Gakushuin với tấm bằng cử nhân kinh tế và chính trị học để theo đuổi con đường hội họa. Trong quá trình tôi rèn bản thân, ông dành phần lớn thời gian để vẽ lại những sự vật mà ông yêu thích, nổi bật nhất trong số đó chính là những chiếc máy bay.
Vậy điều gì đã khiến cho Miyazaki trở nên yêu thích bầu trời và những chiếc máy bay đến vậy? Cũng như bao đứa trẻ khác tại Nhật Bản trong thời kì Thế chiến thứ II, Miyazaki đã quá quen thuộc với những chiếc máy bay chiến đấu bay lượn trên đầu. Hơn nữa, khác với những đứa trẻ cùng thời, Miyazaki còn được tiếp xúc thường xuyên với những chiếc máy bay trong nhà máy của cha mình – công ty hàng không Miyazaki. Vì thế, mặc nhiên những chiếc máy bay đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống tuổi thơ của ông. Hình ảnh những chú chim sắt bay lượn trên bầu trời không chỉ gắn liền với tuổi trẻ của Miyazaki, niềm đam mê và sự yêu thích của ông đối với những chiếc máy bay còn kéo dài tới tận khi trưởng thành và trở thành một phần không thể thiếu trong những tác phẩm hoạt hình xuyên suốt sự nghiệp làm phim của mình.
Dễ thấy rằng, dù không phải là một fan cứng của phim hoạt hình Ghibli, những bộ phim nổi tiếng nhất của Miyazaki cùng Ghibli luôn luôn có sự góp mặt của những yếu tố bay lượn trên không trung, tiêu biểu có thể kể đến những tác phẩm như “Howl's moving castle” (2004) với hàng loạt những cảnh bay lượn trên không trung, tòa lâu đài lừng lững trên bầu trời trong Laputa: Castle in the sky (1984), hay gần đây nhất có thể kể đến bộ phim The wind rises (Kaze Tachinu – 2013)... và còn rất nhiều tác phẩm khác nữa. Bên cạnh đó, những chiếc máy bay trong các thước phim của Miyazaki cũng rất khác so với những bộ phim hoạt hình tới từ các hãng phim khác như Disney. Qua từng bộ phim khác nhau, những vật thể bay lượn trên bầu trời của Miyazaki đều mang một dáng vẻ rất khác, một ý nghĩa cũng rất khác, chỉ có chất lượng hình ảnh là luôn luôn được cải thiện. Một vật thể bay trong những bộ phim của Ghibli có thể khoác lên mình rất nhiều tấm áo khác nhau. Chúng có thể là những vật thể duyên dáng, đáng yêu như chú mèo Totoro hay chiếc chổi bay của Kiki, song chúng cũng có thể trở thành những cỗ máy khổng lồ mang phong cách steampunk như tòa lâu đài của Howl.
Những bộ phim của ông thường có nữ giới làm nhân vật chính
Trước khi cho ra đời những bộ phim hoạt hình đình đám của những năm 80 như Laputa: Lâu đài trên không (Laputa: Castle in the sky – 1984) hay Kiki’s Delivery Service (1989), Miyazaki bắt đầu sự nghiệp của mình là một họa sĩ chuyển cảnh tại studio hoạt hình Toei Animation. Sau những đóng góp và cống hiến không ngừng của mình tại Toei, ông đã nhanh chóng trở thành họa sĩ diễn hoạt trưởng tại studio.
Vào năm 1971, ông rời Toei để phối hợp làm việc cùng nhiều studio lớn tại Nhật Bản như A-Pro, Nippon Animation và Telecom Animation Film trước khi tự mình đạo diễn bộ phim hoạt hình đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của mình: Nausicaä of the Valley of the Wind (1984) – bộ phim hoạt hình dựa theo chính serie manga cùng tên đầy thành công vào thời điểm đó của Miyazaki.
Đây được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự thành công bước đầu của Miyazaki khi ông không chỉ được biết tới rộng rãi với vai trò một đạo diễn tài ba mà còn là một họa sĩ diễn cảnh, một nhà thiết kế nhân vật hoạt hình. Đặc biệt, đây cũng là bộ phim đầu tiên đặt nền móng cho xu hướng “nữ chính mạnh mẽ, đầy nghị lực” trong những tác phẩm tiếp theo của ông. Điều này có thể thấy rõ qua hầu hết những bộ phim của Miyazaki, khi nữ giới luôn là người đóng vai trò chủ đạo, là nhân vật chính quan trọng trong câu chuyện. Ông đã rất thành công trong việc xây dựng “một hình tượng nữ giới đầy mạnh mẽ, bản lĩnh, tự lập và có thể sẵn sàng chiến đầu để đạt được lý tưởng và mục đích của mình” – Miyazaki chia sẻ với báo giới trong năm 2013. Đối với ông, người phụ nữ cần có bạn đồng hành, cần có người hỗ trợ và giúp đỡ, những không bao giờ cần đến một vị cứu tinh. Phụ nữ cũng có thể trở thành một vị anh hùng mạnh mẽ như bao người đàn ông khác vậy.
Vào năm 1997, Miyazaki cùng hãng phim Ghibli một lần nữa đã chứng minh quan điểm này khi cho ra mắt tác phẩm Mononoke Hime (Princess Mononoke). Trong bộ phim, chúng ta không hề bắt gặp cảnh “người đẹp gặp nạn” thường thấy, thay vào đó là một nàng công chúa chiến binh mạnh mẽ cưỡi trên lưng sói thần, tự mình bảo vệ khu rừng mà cô sinh sống. San (nhân vật công chúa trong phim) khi bắt gặp Ashitaka – một hoàng tử trẻ trung và danh giá, không mong muốn một nụ hôn hay một cuộc tình lãng mạn như trong những bộ phim của Disney. Yếu tố lãng mạn quen thuộc trong phim hoạt hình dường như đã được giảm thiểu trong những tác phẩm của Ghibli và Miyazaki, lùi về phía sau để làm nền cho sự mạnh mẽ, can đảm và bất khuất của nữ chính. Những thước phim của Miyazaki không chú trọng tới một cái kết có hậu, nơi mọi người có thể sống “hạnh phúc mãi mãi về sau” như Aladdin và Jasmine hay Pocahontas và John Smith. Những tác phẩm của Miyazaki ca ngợi sự khai minh và trưởng thành của nhân vật trong câu chuyện, điều mà không chỉ có những chiến binh với thành tích vẻ vang hay những nàng công chúa mới có được. Hầu hết những nhân vật trong các bộ phim của Ghibli đều là những cô gái trong tuổi thành niên như Kiki, Sen hay Chihiro (Spirited Away), và họ đều có đủ bản lĩnh và nghị lực để khám phá bản thân, cũng như tìm ra được những giá trị mới cho riêng mình, từ đó có thể tạo ra một mối liên kết sâu sắc với người xem, đặc biệt là nữ giới.
Ông không bao giờ sử dụng kịch bản dựng sẵn cho những bộ phim của mình
Sau thành công vang dội gặt hái được từ bộ phim Nausicaä of the Valley of the Wind, Miyazaki cùng Isao Takahata và Toshio Suzuki đã đồng sáng lập nên hãng phim Ghibli huyền thoại vào năm 1985. Kể từ đó, Miyazaki đã đạo diễn tổng cộng 9 bộ phim, trong số đó có những tác phẩm đã đi vào lòng người hâm mộ như My neighbor Totoro (1988); Spirited Away (2001) hay mới đây nhất là bộ phim The wind rises ra mắt trong năm 2013.
Trong quá trình làm phim, vẽ kịch bản phân cảnh (storyboard) là một khâu quan trọng, góp phần giúp đạo diễn có thể hình dung được diễn biến của tổng thể bộ phim hiệu quả hơn. Song đối với ông Miyazaki, công đoạn này lại trở nên đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa, bởi ông hiếm khi theo sẵn một kịch bản đã được dựng sẵn từ trước, thay vào đó chỉ xây dựng mạch truyện theo chiều hướng tự phát mà đến ngay cả chính ông cũng không hề hay biết kết thúc của truyện.
Trong một buổi phỏng vấn vào năm 2002, chính Miyazaki đã nói rằng: “Tôi thực sự không hề chuẩn bị sẵn một kịch bản hay một câu truyện hoàn chỉnh trước khi thực hiện làm một bộ phim”. Ông còn chia sẻ thêm rằng: “Thường thì tôi không có thời gian cho việc chuẩn bị kịch bản. Do đó câu truyện sẽ tự mình xây dựng và phát triển các tình tiết trong quá trình vẽ phân cảnh. Việc sản xuất phim sẽ diễn ra ngay sau khi thống nhất được một tình tiết trong mạch truyện. Chúng tôi gần như không bao giờ biết được câu truyện sẽ kết thúc ra sao, diễn biến như thế nào, song quá trình làm phim vẫn được tiếp diễn trong lúc phát triển mạch truyện.” Đối với Miyazaki, ông không phải là người tạo nên diễn biến của bộ phim, mà bộ phim sẽ tự tạo ra chính nó. Tuy chính Miyazaki cũng nhận thức được cách làm này còn có nhiều rủi ro và bất cập, nhưng chính nó cũng đã góp phần tạo nên những tác phẩm nổi tiếng trên khắp thế giới của Ghibli, tiêu biểu chính là bộ phim Spirited Away với những nhân vật đầy chiều sâu và mang đậm ý nghĩa nhân văn, song lại không hề có một kịch bản hoàn chỉnh nào cả.
Ông thừa nhận đã sử dụng CGI trong một số bộ phim của mình
Hayao Miyazaki là một trong số ít những nhà làm phim vẫn còn giữ nguyên hình thức vẽ tay cho những thước phim của mình. Do đó, CGI, hay công nghệ mô phỏng bằng máy tính vẫn là một công cụ làm phim còn khá xa lạ đối với Miyazaki. Và cũng không giống như những hãng phim khác trên khắp thế giới, Studio Ghibli trong nhiều thập kỉ qua hầu như đã không cần phải dùng tới công nghệ CGI cho những bộ phim của mình. 90% những phân cảnh bộ phim của Miyazaki hoàn toàn được vẽ bằng tay và ông thường chỉ sử dụng tới công nghệ CGI để tô điểm thêm cho các chi tiết trong phim. Tuy không thường xuyên sử dụng CGI trong các tác phẩm phim ảnh của mình, ông cũng không hề phủ nhận những tiềm năng mà công nghệ này có thể mang tới cho vũ trụ điện ảnh: “Thực chất, tôi cho rằng CGI có đủ tiềm năng để có thể sánh ngang hoặc thậm chí vượt qua những khả năng của con người. Nhưng tôi dường như đã qua tuổi để có thể thử sử dụng công nghệ này” – ông chia sẻ vào năm 2005. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, ông đã quyết định thử sức mình với công nghệ CGI và cho ra mắt một bộ phim hoạt hình ngắn được sản xuất hoàn toàn bằng CGI mang tên Boro the Caterpillar.
Được cho ra mắt vào năm 2016, song bộ phim Boro the Caterpillar chỉ được trình chiếu tại bảo tàng Studio Ghibli. Tuy vậy, bạn cũng có thể theo dõi quá trình làm nên bộ phim này qua Never-Ending Man – một đoạn phim tài liệu nói về cuộc sống của Miyazaki sau khi nghỉ hưu lần thứ hai.
Ông đã nghỉ hưu nhiều lần trong sự nghiệp của mình
Trong sự nghiệp làm phim của mình, Miyazaki đã chính thức nghỉ hưu tới 2 lần. Lần đầu tiên đó là vào năm 1997, sau khi làm xong bộ phim Công chúa Mononoke, nhà làm phim huyền thoại lần đầu tuyên bố ý định nghỉ hưu của mình. Sau gần 4 năm "nghỉ hưu", Miyazaki quay trở lại Ghibli và trình lên hội đồng quản trị hãng 3 dự án mới. Dự án đầu tiên nói về bí ẩn nhà tắm công cộng, dự án thứ 2 kể về cuộc phiêu lưu của một cô gái tuổi teen. Hai dự án bị từ chối. Dự án thứ ba là thành công hơn cả, đã được Ghibli chấp nhận và làm thành phim ngay năm 2001. Dự án đó mang tên: Spirited Away và trở thành một trong những bộ phim thành công nhất của Ghibli. Sau khi thực hiện xong bộ phim và ẵm hàng loạt giải thưởng cho riêng mình, Miyazaki "về hưu", mặc dù sau đó vào năm 2002 vẫn cho ra mắt thêm bộ phim “Sự trả ơn của bầy mèo” (The cat returns).
Miyazaki thêm một lần nữa tuyên bố chính thức kết thức sự nghiệp làm phim của mình vào năm 2013, nhưng một lần nữa lại tiếp tục thay đổi ý định của mình và quay trở lại làm phim vào năm 2016. Người hâm mộ của Ghibli lại một lần nữa có thể tiếp tục trông chờ thêm một bộ phim mang thương hiệu Miyazaki khi bộ phim Kimi-tachi wa Dō Ikiru ka, (How Do You Live?) của ông đang trong quá trình thực hiện và dự kiến sẽ được cho ra mắt vào năm 2021.